Quy trình sản xuất thép xây dựng như thế nào?

Quy trình sản xuất thép trải qua 5 công đoạn chính. Đó là xử lý quặng, tạo dòng thép nóng chảy, đúc tiếp liệu, cán, thép cuộn mạ kẽm và thép ống. Toàn bộ quy trình được sản xuất nghiêm ngặt nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ cho các công trình xây dựng, công nghiệp khác nhau. Cụ thể từng công đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Xử  lý quặng sắt

Trong quy trình sản xuất thép, công đoạn đầu tiên chính là xử lý quặng. Người ta sẽ đưa các loại quặng được khai thác dưới lòng đất như quặng viên, quặng sắt, quặng thiêu kết và các chất phụ gia như than cốc, đá vôi, thép phế liệu,… vào từ phần đỉnh của lò nung. Tại đây, hỗn hợp các loại nguyên vật liệu này sẽ được nung nóng trong một mức nhiệt độ nhất định; để tạo thành dòng kim loại nóng chảy.

Cụ thể, nhiệt độ trong lò sẽ gia tăng lên tới khoảng 2000ºC, quặng sắt sẽ trở thành thép đen nóng chảy ở dưới lò. Trong thép đen chứa Cacbon, Silic, Lưu Huỳnh và nhiều thành phần tạp chất khác. Sau đó, thép đen sẽ được tinh lọc lại một lần nữa để trở thành thép nóng nóng chảy nguyên chất.

Giai đoạn 2: Tạo dòng thép nóng chảy

Dòng kim loại nóng chảy thu được ở công đoạn xử lý quặng sẽ được dẫn tới lò cơ bản hoặc lò hồ quang điện. Tại đây, thép nóng chảy được xử lý, tách các thành phần tạp chất, nhằm tạo ra sự tương quan giữa các thành phần hoá học trong quá trình sản xuất thép. Giai đoạn tạo thép dòng chảy quyết định đến mác thép sản phẩm. Lấy ví dụ như: Nếu bạn muốn tạo mác thép SD390 thì thành phần hóa học sẽ được điều chỉnh theo quy định để cho ra mác thép SD390.

Giai đoạn 3: Đúc tiếp nhiên liệu

Dòng thép nóng chảy thu được ở công đoạn 2 được đưa tới lò đúng phôi. Tại đây, sẽ có 3 loại phôi cơ bản bao gồm:

– Phôi thanh (Billet): Loại phôi có tiết diện 100×100, 125×125, 150×150, dài 6-9-12m. Thường được sử dụng để cán hay kéo thép cuộn và thép thanh vằn.

– Phôi phiến (Slab): Loại phôi thường dùng để cán ra thép cuộn cán nóng, thép tấm cán nóng, thép cuộn cán nguội hoặc thép hình.

– Phôi Bloom: Loại phôi được sử dụng như hai loại phôi thanh và phôi phiến.

Sau khi, phôi được đúc thì có thể để ở hai trạng thái là trạng thái nóng và trạng thái nguội. Trong đó: Trạng thái nóng trạng thái này duy trì phôi ở một nhiệt độ cao rồi đưa thẳng vào quá trình cán nóng. Trạng thái nguội của phôi để xuất bán hoặc chuyển tới các nhà máy khác để làm nóng lại rồi đưa vào nhà máy cán nguội để sản xuất thép cán nguội.

Giai đoạn 4: Cán nóng và cán nguội

Trong quy trình sản xuất thép, ở giai đoạn 4 phôi được đưa vào các nhà máy để cán ra các sản phẩm thép xây dựng khác nhau:

– Đưa phôi vào nhà máy thép hình để cán ra các sản phẩm thép ray, thép cừ lòng máng, thép hình chữ U, V, I, H và thép thanh.

– Đưa phôi vào nhà máy thép để cán ra thép cuộn trơn xây dựng.

– Đưa phôi vào nhà máy thép tấm để cán ra thép tấm đúc.

– Đưa phôi vào nhà máy thép cán nóng, phôi sẽ được cán ra thép cuộn cán nóng.

Nếu muốn cán ra thép cuộn cán nguội thì hạ nhiệt độ cuộn thép xuống nhiệt độ thích hợp. Tiếp tục cho qua dây chuyền tẩy rỉ trước khi đưa vào máy cán 5 giá liên tục. Tại mỗi giá cán đều trang bị máy đo độ dày bằng tia X và thiết bị cân chỉnh độ dày tự động AGC. Số lần cán phụ thuộc vào chiều dày nguyên liệu thép cuộn cán nóng và chiều dày sản phẩm đầu ra được yêu cầu. Sản phẩm thép cuộn cán nguội ở công đoạn này mỏng hơn, bề mặt bóng, sáng và cứng hơn.

Giai đoạn 5: Thép cuộn mạ kẽm và thép ống

Thép cuộn cán nguội thu được ở giai đoạn 4 sẽ sẽ trải qua quá trình mạ kẽm bằng công nghệ NOF, để hoàn thiện bề mặt cuộn lần cuối cùng cũng như phủ thêm một lớp mạ có độ bám dính cao trên bề mặt. Lớp mạ kẽm này có tác dụng bảo vệ thép, chống ăn mòn và tăng tuổi thọ sản phẩm.

Thép cuộn mạ kẽm sẽ là nguyên liệu để sản xuất các loại thép ống. Người ta sử dụng công nghệ hàn cao tần trong quá trình cuốn ống, để đảm bảo độ nhẵn bóng và trơn láng cho từng đường hàn, góc cạnh của thép. Các sản phẩm thép cán nguội như thép hộp chữ nhật, thép hộp vuông, thép hộp tròn sẽ được sản xuất với nhiều mẫu mã, kích thước đa dạng.